Trường THPT số 1 Đức Phổ (tiền thân là Trường Trung học Bán công Lê Văn Duyệt), tính từ ngày thành lập (tháng 7 năm 1957) đến nay đã tròn sáu mươi năm. Ra đời, tồn tại và phát triển trên quê hương của đồng chí Nguyễn Nghiêm - Bí thư đầu tiên của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi, một vùng quê có truyền thống hiếu học và giàu lòng yêu nước...
Trường THPT số 1 Đức Phổ (tiền thân là Trường Trung học Bán công Lê Văn Duyệt), tính từ ngày thành lập (tháng 7 năm 1957) đến nay đã tròn sáu mươi năm. Ra đời, tồn tại và phát triển trên quê hương của đồng chí Nguyễn Nghiêm - Bí thư đầu tiên của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi, một vùng quê có truyền thống hiếu học và giàu lòng yêu nước, nơi đã đào tạo nhiều thế hệ học sinh ưu tú, thành đạt và có nhiều đóng góp cho sự phồn vinh của quê hương Đức Phổ và cả nước. Sáu mươi năm xây dựng và phát triển, nhà trường có bề dày truyền thống quý báu. Trường không những ngày càng lớn mạnh về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy học mà còn khẳng định chất lượng đào tạo cơ bản đáp ứng lòng tin của chính quyền địa phương và nhân dân huyện nhà. Trải qua nhiều biến động của lịch sử, đáp ứng nhiệm vụ giáo dục đào tạo phù hợp với từng giai đoạn, trường đã nhiều lần đổi tên từ trường Trung học bán công Lê Văn Duyệt khi mới thành lập và hiện nay là Trường Trung học phổ thông số 1 Đức Phổ.
I. Trường trung học bán công Lê văn Duyệt và trường Phổ thông cấp II Lê Văn Cao (từ tháng 7 năm 1957 đến tháng 8 năm 1975).
Tháng 7 năm 1957, trường Trung học bán công Lê Văn Duyệt được thành lập ở huyện Đức Phổ đặt tại thôn Vĩnh Bình, xã Phổ Ninh. Lúc mới thành lập, trường có 3 lớp: 1 lớp đệ thất, 1 lớp đệ lục, 1 lớp đệ ngũ (nay là lớp 6, lớp 7, lớp 8), lúc này, trường chỉ có 5 phòng học, Hiệu trưởng là thầy Nguyễn Tiên. Đến năm học 1958-1959, trường được xây dựng thêm 2 phòng học ở phía nam, và đã hoàn chỉnh bậc Trung học Đệ nhất cấp từ đệ thất đến đệ tứ (nay là từ lớp 6 đến lớp 9) với 4 lớp khoảng 200 học sinh.
Ra đời và tồn tại trong mười tám năm (từ tháng 7 năm 1957 đến tháng 3 năm 1975), Hiệu trưởng nhà trường lần lượt là các thầy: Nguyễn Tiên (1957-1959), Trần Hữu Lễ (1959-1961), Võ Đình Trang (1961-1963), Trần Tiến Toàn (1963-1964), Nguyễn Hữu Thời (1964-1965), Lâm Văn Lợi (cuối năm 1965), Nguyễn Văn Minh (1965-1968), Dương Ngọc Đổng (1968-1972), Nguyễn Văn Minh (lần 2: 1972-1974), Trần Anh Lan (đầu năm học 1974-1975). Tính trung bình chưa đầy 2 năm thay đổi một hiệu trưởng, nên khó ghi lại hết những nỗ lực của các thầy cho sự hình thành và phát triển của nhà trường.
Giáo viên của trường lúc ấy chủ yếu là người ngoài huyện, ngoài tỉnh đến dạy, chỉ có duy nhất thầy Nguyễn Quang Cự, quê xã Phổ Thuận dạy Pháp văn.
Ra đời và tồn tại trong gần 18 năm, tuy trường do chính quyền Sài Gòn thành lập và quản lý nhưng trường nằm trên vùng đất giàu truyền thống cách mạng nên nhiều thế hệ học sinh của trường đã tham gia phong trào cách mạng, hàng trăm học sinh đã thoát ly tham gia cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước, nhiều người đã trưởng thành từ chiến tranh và trở thành cán bộ lãnh đạo của huyện, tỉnh.
Mùa xuân năm 1975, cùng với quân và dân tỉnh Quảng Ngãi, quân và dân Đức Phổ đã liên tục tấn công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn huyện nhà vào ngày 23 tháng 3 năm 1975. Sau một tuần lễ ổn định tình hình, sắp xếp đội ngũ giáo viên, chính quyền cách mạng đã khẩn trương tổ chức cho các trường trong huyện tiếp tục việc dạy và học để hoàn thành chương trình năm học 1974-1975. Trường trung học bán công Lê Văn Duyệt được đổi tên thành trường cấp II Lê Văn Cao – tên của Anh hùng liệt sỹ, người con của quê hương Đức Phổ. Thầy Nguyễn Viên được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng. Tên trường cấp II Lê Văn Cao chỉ tồn tại trong thời gian ngắn nhưng đây là niềm tự hào và là dấu ấn quan trọng trong truyền thống của trường.
Đến năm học 1975-1976, năm học đầu tiên sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, trường cấp II Lê Văn Cao được chọn làm cơ sở để thành lập trường cấp 3 Đức Phổ.
Suốt mười tám năm hình thành và phát triển trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh, hai miền tạm bị chia cắt, các thế hệ thầy, cô giáo và học sinh trong giai đoạn này đã không ngừng vươn lên bằng con đường học tập và sáng tạo, luôn phát huy tinh thần nhân ái cũng như truyền thống hiếu học của dân tộc.
II. Trường Phổ thông cấp 3 Đức Phổ (từ tháng 8 năm 1975 đến tháng 9 năm 1996).
Từ tháng 9 năm 1975, Trường cấp 2 Lê Văn Cao đổi tên thành Trường PT cấp 3 Đức Phổ - Trường cấp 3 đầu tiên ở Đức Phổ. Thầy Lâm Chuyển được Ty Giáo dục Nghĩa Bình bổ nhiệm làm Hiệu trưởng, thầy Nguyễn Văn Bình làm Phó Hiệu trưởng và 16 giáo viên giảng dạy cho 7 lớp với khoảng 360 học sinh. Đội ngũ giáo viên lúc này còn thiếu so với yêu cầu. Giáo viên được tuyển dụng lại và mới tuyển dụng có thầy Nguyễn Viên dạy Văn, thầy Nguyễn Bảy dạy Lý, thầy Lê Tiến Thanh dạy Hóa, thầy Chung dạy Anh văn, thầy Phạm Bá, thầy Lương Văn Việt, thầy Nguyễn Xuân Việt dạy Toán, thầy Trần Văn Phê (chuyển từ ngoài Bắc về) dạy Chính trị .…Sau đó Ty Giáo dục Nghĩa Bình phân công các thầy, cô sau về trường giảng dạy: thầy Nguyễn Mộng Quang dạy Văn, thầy Nguyễn Thế Hương dạy Lý, cô Trần Thị Mãnh dạy Hóa, cô Lâm Thị Minh Hoàng dạy Sinh, thầy Nguyễn Nghị dạy Sử, thầy Trần Sẵn dạy Địa, thầy Lê Đơ dạy Thể dục…Năm học 1975-1976, trường có 7 lớp với khoảng hơn 300 học sinh, 18 cán bộ, giáo viên.
Đầu năm học 1976-1977, Ty Giáo dục Nghĩa Bình tiếp tục bổ sung một số thầy, cô giáo khác về trường như thầy Nguyễn Văn Năm dạy Toán, thầy Trịnh Quang Chương, Nguyễn Nhương dạy Văn, thầy Châu Văn On dạy Địa, cô Phạm Thị Thanh Minh dạy Lý, thầy Huỳnh Huấn dạy Hóa, một số thầy, cô chuyển đi trường khác. Với 27 cán bộ, giáo viên, nhân viên, các thầy, cô đã nỗ lực đóng góp cho việc xây dựng nhà trường, duy trì tốt việc dạy và học trong những năm đầu còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Cùng với việc tích cực học văn hóa, thầy và trò nhà trường còn tham gia lao động gây quỹ, xây dựng trường lớp và lao động trồng rừng, đào mương thủy lợi… góp phần xây dựng quê hương.
Tháng 10 năm 1977, thầy Lâm Chuyển chuyển công tác, thầy Nguyễn Văn Bình được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng. Hiệu phó là thầy Nguyễn Mộng Quang và thầy Châu Văn On. Đội ngũ giáo viên tiếp tục được bổ sung, các thầy, cô mới tốt nghiệp từ các trường Đại học được điều về giảng dạy gồm: thầy Phan Trọng Mạnh; cô Phạm Thị Anh Tú; cô Trần Thị Minh; cô Võ Thị Bích Thu; cô Tôn Nữ Như Ý, thầy Nguyễn Bá An, thầy Phan Minh Ánh, cô Vương Thị Tám; cô Phan Thị Tuyến, thầy Nguyễn Mậu Ẩm, thầy Nguyễn Mạnh Hùng, thầy Hoàng Dũng, cô Nguyễn Thị Thanh Sương, thầy Dương Ngọc Ánh…
Để đáp ứng nhu cầu phát triển giáo dục Đức Phổ ngày càng lớn, từ năm học 1980-1981, Trường PT cấp 3 Đức Phổ II được thành lập ở xã Phổ Khánh huyện Đức Phổ, thầy Nguyễn Văn Bình và nhiều thầy, cô giáo Trường PT cấp 3 Đức Phổ được điều động về trường PT cấp 3 Đức Phổ II. Lúc này, quyền Hiệu trưởng trường PT cấp 3 Đức Phổ là thầy Nguyễn Mộng Quang, thầy Trịnh Quang Chương và thầy Nguyễn Năm được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng
Đến năm 1980 và các năm sau, trường được nhận thêm nhiều thầy, cô khác về giảng dạy như: cô Hồ Thị Nguyệt Ánh, thầy Trần Xuân Phương, thầy Bùi Văn Thái, thầy Cao Xuân Bảo, thầy Lê Văn Hiển….Có những thầy, cô quê ở các tỉnh xa được phân công về như thầy Vương Đình Bường (Nghệ An); thầy Nguyễn Văn Oanh, Đàm Văn Giản (Thanh Hóa), thầy Nguyễn Văn Cẩm, Trần Quốc Toản (Hà Tĩnh), cô Đặng Thị Mai, Nguyễn Thị Hòa (Quảng Bình), cô Trần Thị Liên (Vĩnh Linh), cô Lê Thị Kim Xinh (Hải Dương), cô Nguyễn Thị Tịnh Hà, cô Phạm Thị Hạnh… Các thầy, cô đã vượt lên những khó khăn, thiếu thốn thời đó, đứng vững trên bục giảng, tận tâm với sự nghiệp trồng người, đoàn kết gắn bó như một gia đình, đem tình thương và tri thức với Tâm – Đức sáng trong đến với học sinh ở một vùng quê nghèo khó, đào tạo nên bao thế hệ học sinh trở thành những con người biết trung hiếu, nghĩa nhân. Đây là thời kỳ rất khó khăn song luôn ấm áp tình cảm đồng nghiệp, thầy trò. Trong thời gian này nhiều phong trào thi đua văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao…luôn được nhà trường chú trọng.
Năm 1988, thầy Nguyễn Văn Bình về nghỉ hưu, thầy Nguyễn Viên được bổ nhiệm Hiệu trưởng. Được sự quan tâm giúp đỡ tận tình của lãnh đạo các cấp, trường PT cấp 3 Đức Phổ đã được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, dãy 5 phòng học cấp 4 ở phía đông đã được cải tạo nâng cấp vào năm 1990 thành dãy phòng học 2 tầng với 10 phòng khang trang. Đến năm 1993 trường có 27 lớp với 1007 học sinh.
Giai đoạn này, tuy điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, song thầy và trò nhà trường vẫn nỗ lực trong công tác giảng dạy, học tập và rèn luyện. Phong trào thi học sinh giỏi bắt đầu được được thực hiện ở một số bộ môn, đặc biệt là môn Toán và tiếp sau đó là các môn Lý, Hóa. Các hoạt động khác của nhà trường thời kỳ này diễn ra rất sôi nổi: Công đoàn, Đoàn thanh niên nhà trường thường xuyên tổ chức các phong trào thi đua chào mừng các ngày lễ lớn, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, thường xuyên đi lưu diễn để phục vụ khán giả và gây quỹ, tổ chức lao động giúp đỡ các Hợp tác xã khắc phục hậu quả lũ lụt sau mỗi đợt mưa lũ đồng ruộng bị cát bồi, thủy phá. Cứ hai năm một lần, Đoàn trường lại tổ chức cho đoàn viên thanh niên đi dã ngoại, cắm trại tại bãi biển rừng dương Phổ Quang nhân kỷ niệm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Hoạt động này mang ý nghĩa giáo dục truyền thống lịch sử đồng thời rèn luyện kỹ năng sống, sinh hoạt tập thể cho học sinh và đã để lại bao kỷ niệm đẹp mãi mãi không quên cho những ai đã một thời học tập và rèn luyện dưới mái trường Phổ thông cấp 3 Đức Phổ.
Những năm đầu thập niên 90, nhu cầu học tập bậc phổ thông trung học ngày càng cao ở huyện Đức Phổ, cần phát triển loại hình trường bán công để thu hút con em nhân dân có điều kiện học tập. Xuất phát từ yêu cầu đó, trường PTTH bán công Đức Phổ được thành lập năm 1993 sau đổi tên thành trường THPT Lương Thế Vinh. Trường tiếp quản cơ sở vật chất của trường Phổ thông cơ sở xã Phổ Ninh có vị trí liền kề trường PTTH Đức Phổ 1, do thầy Nguyễn Viên làm hiệu trưởng. Cũng từ năm 1993 thầy Phạm Bá được bổ nhiệm chức vụ Hiệu trưởng, thầy Nguyễn Bân, thầy Lữ Ngọc Lành làm Phó Hiệu trưởng.
Đây là thời kỳ nền kinh tế nước ta có những khởi sắc. Để đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, sự nghiệp giáo dục nhận được quan tâm của Đảng và chính quyền các cấp, nhà trường có những bước đột phá về nhiều mặt. Về cơ sở vật chất, diện tích của trường được mở rộng từ hơn 4000 m2 tăng lên hơn 8000 m2 tạo không gian cho các hoạt động thể dục, thể thao, vui chơi của học sinh và thầy cô ngoài những giờ làm việc, học tập căng thẳng. Phong trào thi đua “Hai tốt” được Công đoàn và Đoàn trường phát động đã mang lại khí thế sôi nổi trong giáo viên và học sinh nhà trường. Đây là giai đoạn mở ra những mảng sáng trong bức tranh thành tích dạy và học của thầy và trò nhà trường: Phong trào thi học sinh giỏi của nhà trường thời kỳ này rất mạnh, ba năm liền trường dẫn đầu toàn tỉnh về thành tích thi học sinh giỏi môn Hóa, Có nhiều em đạt Học sinh giỏi cấp tỉnh, đặc biệt có ba em đạt Học sinh giỏi quốc gia là em Nhơn, em Hải và em Phong. Kết quả thi học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia các môn Toán, Vật lý cũng đã mang lại nhiều thành tích cho nhà trường. Kết quả tuyển sinh đại học đã đạt được thành tích cao. Tiêu biểu có em Hoàng Thịnh Nhân đạt điểm tuyệt đối (30/30) trong kỳ thi tuyển sinh Đại học, em Phạm Thế Công Thủ khoa trường ĐH Kinh tế TP HCM, Á khoa trường ĐHBK TP Hồ Chí Minh.
III. Trường Phổ thông Trung học Chuyên ban số 1 Đức Phổ (từ tháng 9 năm 1996 đến tháng 8 năm 2000).
Thời gian này, số lượng học sinh tăng dần. Năm học 1996-1997, trường đã có 28 lớp với 1329 học sinh, đạt trường loại 1. Nhu cầu về cán bộ quản lý tăng. Tháng 11 năm 1997, một nữ giáo viên đầu tiên được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng là cô Lê Thị Kim Xinh.
Từ năm học 1996-1997, Bộ GD - ĐT cải cách chương trình, đưa chương trình phân ban vào bậc THPT với 3 ban: Khoa học Tự nhiên, Khoa học Tự nhiên – Kỹ thuật, Khoa học Xã hội và Nhân văn. Trường được đổi tên thành trường Phổ thông trung học chuyên ban số 1 Đức Phổ.
Giai đoạn này, học sinh của trường PTTH chuyên ban số 1 Đức Phổ cũng đã đáp ứng được yêu cầu của chương trình phân ban, ở các Ban đều có nhiều học sinh khá, giỏi, nhiều học sinh đỗ vào các trường Đại học danh tiếng. Ban Khoa học Xã hội và Nhân văn có nhiều học sinh đỗ vào các trường Đại học, đặc biệt có lớp tỉ lệ học sinh đỗ vào các trường Đại học trên 40% (Lớp C1- thầy Nguyễn Đức Ánh làm chủ nhiệm)
Các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp cũng được tổ chức thường xuyên và rất sôi nổi như hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật. Trường đã tổ chức và tham gia các cuộc thi viết về Tìm hiểu lịch sử Đảng, hội thi dưới dạng sân khấu hóa do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức, Hội thi “Tuổi trẻ Quảng Ngãi với An toàn giao thông” do Ban An toàn giao thông tỉnh phối hợp với Sở GD-ĐT Quảng Ngãi tổ chức, trường đều đạt giải cao.
IV. Trường Trung học Phổ thông số 1 Đức Phổ (từ năm 2001 đến nay)
Sau 4 năm thực hiện thí điểm chương trình phân ban, Bộ GD-ĐT chủ trương trở lại thực hiện chương trình phổ thông và trường lại một lần nữa đổi tên thành trường trung học phổ thông số 1 Đức Phổ. Những năm này, chất lượng giáo dục của nhà trường rất ổn định, số học sinh ngày càng tăng.
Năm học 2006-2007, trường có 45 lớp với 2.151 học sinh, 92 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Sự tăng mạnh về số lớp và học sinh trong thời gian này đánh dấu một bước đột phá về mọi mặt trong quá trình phát triển giáo dục ở Đức Phổ nói riêng, tỉnh Quảng Ngãi nói chung.
Chất lượng giáo dục thời gian này cũng tăng mạnh. Hằng năm có trên 90.% học sinh đậu Tốt nghiệp THPT, trên 40% học sinh thi đỗ vào các trường Đại học, Cao đẳng. Số học sinh đạt học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia trung bình hàng năm có từ 60 đến 70 em đạt giải. Các phong trào hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao rất sôi nổi…Những gương mặt học sinh nổi bật trong thành tích học tập thời kỳ này gồm các em: Lê Hoàng Đức Khánh, Lê Hà Kiệt, Huỳnh Trung Nghĩa, Huỳnh Công Thịnh, Thới Thanh Tân, Bùi Ngọc Trịnh….
Cơ sở vật chất nhà trường cũng được đầu tư xây dựng. Trường đã khang trang, sạch đẹp hơn với 2 dãy phòng học cao tầng gồm 10 phòng học phía đông và 8 phòng học phía nam, 1 nhà hiệu bộ với các phòng làm việc, phòng thí nghiệm, thực hành, thư viện được xây dựng và đưa vào sử dụng năm 2005, tường rào, cổng ngõ khang trang, sân chơi với cây xanh, bồn hoa, các hàng ghế đá tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp. Các trang thiết bị dạy học được mua sắm phục vụ giảng dạy và học tập của thầy và trò nhà trường.
Một sự kiện quan trọng trong thời gian này là trường đã tổ chức thành công Lễ Kỷ niệm 50 năm thành lập trường vào tháng 8 năm 2007. Lễ kỷ niệm là một sự kiện được mong đợi rất lâu của các thế hệ thầy và trò, là dịp hội ngộ của bao lớp cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh nhà trường từ khắp mọi miền đất nước và cả ở nước ngoài, là dịp hội tụ của những tấm lòng khắc khoải nhớ mong về ngôi trường mà một thời tuổi trẻ trong sáng, nguyên sơ đã gắn bó, là dịp để các thế hệ học sinh gặp gỡ, tri ân thầy, cô giáo của mình, để khơi dậy tình bằng hữu tưởng chừng đã nhạt phai vì thời gian và không gian, là dịp để mọi người ôn lại truyền thống dạy và học của nhà trường và cũng là dịp tạo nền móng vững chắc cho những hoạt động xã hội hóa giáo dục từ các cựu học sinh nhà trường.
Phát huy khí thế phấn khởi, tự hào về truyền thống tốt đẹp của nhà trường sau Lễ Kỷ niệm 50 năm thành lập, thầy và trò nhà trường tiếp tục giảng dạy, học tập và rèn luyện. Số học sinh từ những năm học 2007- 2008 đến năm học 2012-2013 rất đông, có năm lên trên 40 lớp với trên 2000 học sinh. Những năm gần đây do số học sinh trên địa bàn giảm, số học sinh và số lớp của nhà trường cũng giảm theo. Trong những năm học qua, thầy và trò trường THPT số 1 Đức Phổ đã nỗ lực phấn đấu, đẩy mạnh phong trào thi đua "Dạy tốt- học tốt". Tích cực đổi mới phương pháp dạy - học, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong nhà trường.
Nhìn lại chặng đường đã qua, mỗi cán bộ, giáo viên, học sinh trường THPT Số 1 Đức Phổ không thể không tự hào về thành tích đã đạt được; số học sinh đạt giải học sinh giỏi các cấp luôn khẳng định vị thế của nhà trường, điển hình như em Tô Đình Dương (khóa 2007-2010) giải 3 môn Toán Quốc gia...; Phan Thanh Tùng (khóa 2012-2015) đạt giải nhất phần mềm sáng tạo Tin học trẻ toàn quốc năm 2014, giải ba KHKT toàn quốc năm 2015 và được tuyển thẳng vào đại học; em Lê Hữu Thông thủ khoa TNTHPT, thủ khoa khối A1 tỉnh Quảng Ngãi, đứng thứ 3 toàn quốc khối A1; em Nguyễn Thị Thao thủ khoa khối B tỉnh Quảng Ngãi năm học 2015-2016. Tính từ năm học 2011 - 2012 đến năm học 2015-2016 đã có 249 lượt học sinh đạt giải cấp tỉnh; hàng trăm huy chương và các giải khác ở các hội thi như thi tiếng Anh qua mạng, thi MTCT, giải toán qua internet, tài năng tiếng Anh, thi văn nghệ, TDTT... Đặc biệt trong những năm gần đây học sinh trường ta tiếp tục ghi thêm vào trang sử truyền thống của nhà trường những thành tích mới tỉ lệ học sinh đậu TNTHPT ở tốp đầu của tỉnh, năm học 2014-2015 đứng thứ 3 toàn tỉnh với tỉ lệ 99,25%; tỉ lệ học sinh đậu vào các trường ĐH-CĐ từ 45% trở lên có năm lên đến 67% (tính nguyện vọng 1), nhiều học sinh đậu nhiều trường ĐH với số điểm khá cao (trên 27 điểm) và được vinh danh toàn tỉnh. Kỷ cương nề nếp của nhà trường tiếp tục được củng cố và siết chặt, chất lượng giáo dục được nâng cao hàng năm, tính trung bình từ năm học 2011-2012 đến nay số học sinh xếp loại hạnh kiểm khá, tốt đạt từ 98% trở lên, số học sinh xếp loại học lực khá, giỏi đạt từ 50% trở lên (năm học 2015-2016 đạt 71,8%). Chất lượng học sinh giỏi ổn định và toàn diện trên mọi lĩnh vực: văn hoá, năng khiếu, thể thao...
Phong trào thi đua dạy tốt của giáo viên nhà trường được đẩy mạnh, đội ngũ giáo viên tiếp tục khẳng định được năng lực chuyên môn vững vàng của mình bằng những thành tích xuất sắc. Đến thời điểm này, trường có 42 giáo viên đạt giáo viên dạy giỏi cấp trường, 18 GV đạt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, nhiều thầy cô giáo được tín nhiệm trong Hội đồng chuyên môn của Sở GD. Chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên ngày càng được nâng cao với 100% cán bộ giáo viên đạt và vượt chuẩn (Tính đến hiện nay trường đã có 9 cán bộ giáo viên đạt trình độ Thạc sĩ). Nhiều thầy cô giáo nhiều năm liền được công nhận chiến sĩ thi đua cơ sở, chiến sĩ thi đua cấp tỉnh; nhiều năm trường vinh dự được UBND Tỉnh công nhận trường đạt danh hiệu tập thể lao động xuất sắc; bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo, BHXH Việt Nam( năm 2008, 2012, 2015). Đặc biệt năm học 2015-2016 trường vinh dự được đón nhận Cờ thi đua Xuất sắc của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
So với lúc mới thành lập, hiện nay cơ sở vật chất nhà trường đã được xây dựng và trang bị khá tốt. Hiện nay trường có 01 dãy nhà hiệu bộ, 3 dãy phòng học, gồm 32 phòng học và các phòng chức năng, nhà thi đấu có qui mô hiện đại được phát huy hiệu quả sử dụng, thu hút nhiều học sinh, thanh thiếu niên và nhân dân địa phương tham gia tập luyện, góp phần đẩy mạnh việc hoạt động văn thể mĩ lành mạnh trong cộng đồng, khu dân cư. Hai phòng máy vi tính của trường được trang bị trên 60 máy, hai phòng giảng dạy giáo án điện tử được trang bị bảng tương tác và kết nối mạng đáp ứng điều kiện giảng dạy và học tập của thầy và trò nhà trường. Có được cơ sở vật chất, như vậy nhà trường luôn ghi nhận sự quan tâm sâu sắc của các cấp, các ngành, nhân dân và chính quyền địa phương; đặc biệt là sự đóng góp, tài trợ lớn về tinh thần, vật chất của các thế hệ cựu học sinh, các nhà hảo tâm, cán bộ đương chức và nghỉ hưu đang sinh sống trên cả nước.
Với những thành tích đạt được, năm 2010, trường THPT số I Đức Phổ vinh dự được đón nhận Bằng công nhận trường đạt Chuẩn Quốc gia giai đoạn 2001-2010.
Trong 10 năm gần đây, lãnh đạo của Trường THPT số 1 Đức Phổ có nhiều thay đổi, thầy Phạm Bá nghỉ hưu năm 2008, thầy Nguyễn Bân được bổ nhiệm Hiệu trưởng, tháng 10 năm 2012, thầy Trần Quang Thanh được điều động đến làm Hiệu trưởng trường THPT số 2 Đức Phổ, thầy Lữ Ngọc Lành về trường làm Phó Hiệu trưởng và nghỉ hưu vào tháng 6 năm 2014. Đến tháng 8 năm 2014 vì lý do sức khỏe, thầy Nguyễn Bân không tiếp tục đảm nhận chức vụ Hiệu trưởng, Sở GD – ĐT Quảng Ngãi đã điều động thầy Nguyễn Dũng (một cựu học sinh của trường khóa 1990-1993), nguyên Phó Hiệu trưởng trường THPT Trần Quang Diệu, huyện Mộ Đức về làm Hiệu trưởng. Các Phó Hiệu trưởng là thầy Nguyễn Bân, cô Lê Thị Kim Xinh, thầy Phạm Thanh Cước. Đến tháng 5 năm 2016, cô Lê Thị Kim Xinh nghỉ hưu, thầy Dương Công Dũng nguyên Phó Hiệu trưởng trường THPT số 2 Đức Phổ được luân chuyển về làm Phó Hiệu trưởng từ tháng 8 năm 2016.
Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, trường THPT số 1 đã trở thành điểm sáng trong sự nghiệp giáo dục của huyện Đức Phổ nói riêng và tỉnh Quảng Ngãi nói chung, trở thành địa chỉ tin cậy, niềm tự hào cho bao thế hệ cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh Đức Phổ. Thầy và trò nhà trường đã giữ vững truyền thống đoàn kết, truyền thống Dạy tốt – Học tốt, tinh thần Hiếu học và Tôn sư trọng đạo mà các thế hệ thầy cô và học sinh đi trước đã dày công vun đắp. Từ nơi đây, bao thế hệ học sinh đã trưởng thành, nhiều người đã thành công trên nhiều lĩnh vực, trở thành giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân, kỹ sư, bác sĩ, tướng lĩnh quân đội, công an, các nhà chính trị, doanh nhân…trở thành những người Nhân – Nghĩa – Trí – Dũng, góp phần xây dựng quê hương, đất nước.
Tri ân các thế hệ thầy cô giáo, kế thừa những thành quả đạt được của nhà trường trong chặng đường 60 năm qua, Ban giám hiệu nhà trường cùng tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên không ngừng học tập, tu dưỡng thực hiện tốt nhiệm vụ các năm học, đổi mới toàn diện giáo dục, xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, thân thiện, gìn giữ và phát huy truyền thống tốt đẹp của nhà trường, đáp ứng yêu cầu thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập và phát triển, xứng đáng với sự tin tưởng của nhân dân và tình cảm của các thế hệ học sinh dành cho nhà trường.